Khuyết tật học tập

 KHUYẾT TẬT HỌC TẬP 

 

I. KHÁI NIỆM.

 Khuyết tật học tập là thuật ngữ chỉ những rối loạn trong việc lĩnh hội và vận dụng những năng lực đọc, viết và làm toán. Rối loạn này là khuyết tật nội tại của cá nhân, có nguyên nhân được cho là do khiếm khuyết chức năng hệ thần kinh Trung Ương.

 

II. CÁC DẠNG KHUYẾT TẬT HỌC TẬP.

  Khuyết tật học tập là dạng khuyết tật liên quan đến những khó khăn đặc thù trong việc lĩnh hội và vận dụng các chức năng nghe, nói, đọc, viết, tính toán và suy luận.

Có xác dạng khuyết tật học tập như:

  • Khó khăn vè nghe.
  • Khó khăn về nói.
  • Khó khăn về đọc.
  • Khó khăn về viết.
  • Khó khăn về tính toán.
  • Khó khăn về suy luận.

 

III. NHẬN DIỆN KHUYẾT TẬT HỌC TẬP. 

  •      Việc phát hiện khuyết tật học tập ở trẻ tại môi trường học đường còn khó khăn bởi ít có cán bộ trường học chuyên trách, sự không chấp nhận ở cha mẹ về tình trạng con cái họ, vì thành tích của nhà trường, lớp học… Tuy nhiên, nếu trẻ khuyết tật học tập không được đánh giá và can thiệp sớm sẽ có rất nhiều nguy cơ và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ. Chẩn đoán khuyết tật học tập không phải dễ mà phải là một quá trình. Trước tiên, trẻ phải được kiểm tra bởi các bác sĩ chuyên khoa để loại trừ nguyên nhân thực thể, sau đó các chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, tâm lý học lâm sàng, tâm lý học phát triển… mới có thể đánh giá và kết luận tình trạng.
  •      Việc để trẻ có khuyết tật học tập học trong các trường lớp bình thường mà không có hỗ trợ đặc biệt sẽ rất khó khăn cho trẻ và cả các bạn cùng lớp, thầy cô. Chính vì vậy, ngoài việc hòa nhập tại trường, trẻ còn cần được can thiệp đặc biệt bởi các chuyên viên can thiệp đặc biệt, các nhà tâm lý lâm sàng. Đồng thời cha mẹ cũng cần dành nhiều thời gian giúp trẻ phục hồi các chức năng khiếm khuyết học tập trên cơ sở các bài tập mà chuyên viên giáo dục đặc biệt xây dựng. Một chương trình tổng thể sẽ giúp trẻ tiến bộ và hòa nhập nhanh hơn.

 

IV. NGUYÊN NHÂN DẪN TỚI KHUYẾT TẬT HỌC TẬP.

     Cho đến nay, nguyên nhân thực sự của khuyết tật học tập vẫn tồn tại nhiều giả thuyết khác nhau. Trong đó, có hai nhóm nguyên nhân chính, đó là nhóm nguyên nhân sinh học và nhóm nguyên nhân từ nhận thức.

  • Nhóm các nhà nghiên cứu về sinh học thì quan tâm đến não bộ và gen. Cấu trúc bất thường trong não và gen di truyền là hai giả thuyết cơ bản. Có những loại khuyết tật học tập xảy ra khi sự phát triển của não bộ bị ảnh hưởng được thể hiện bằng các nguyên nhân như: Người mẹ bị ốm khi mang thai, Tăng sinh vỏ não; Cấu trúc bất thường của não bộ; Thiếu hụt vùng trung khu thần kinh; Sự kết nối không hoàn hảo giữa các vùng của não bộ. Các yếu tố về sinh lí học thần kinh: Rối loạn khu vực thần kinh có chức năng tiếp nhận và sản sinh ngôn ngữ; Khu vực xử lí nhận thức bị suy; Rối loạn chức năng hệ thống xử lí thu thập thông tin, tổ chức, bị những cú sốc tâm lý khi còn trẻ,… Bẩm sinh và yếu tố di truyền: Đây là dạng khuyết tật học tập xuất hiện trong những gia đình có những thành viên có vấn đề liên quan đến những khó khăn này. Những yếu tố khó khăn xuất hiện rõ rệt ở mối quan hệ họ hàng đời thứ nhất. Nguyên nhân từ nhận thức: Sự khiếm khuyết về trí nhớ được nêu ra như một cách thức giải thích khác đối với nguyên nhân khuyết tật học tập ở trẻ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, học sinh khuyết tật học tập có sự hạn chế về trí nhớ, đặc biệt là trí nhớ ngắn hạn làm ảnh hưởng đến khả năng giải mã, gọi tên sự vật và khả năng ghi lại những vấn đề giải mã.
  • Các nguyên nhân khác: Đó là sự bất thường trong quá trình mang thai, thai nhi tiếp xúc với các chất kích thích như: Rượu, bia, ma túy,… đẻ non hoặc kéo dài tháng sinh; Tai nạn sau khi sinh, chấn thương não, suy dinh dưỡng hoặc tiếp xúc với các chất độc hại như kim loại nặng, thuốc trừ sâu,… Những vấn đề bệnh lý xuất hiện đồng thời: học sinh khuyết tật học tập có thể mắc nhiều hơn một chứng bệnh trong những chứng bệnh phổ biến sau: Rối loạn tăng động giảm chú ý; rối loạn hành vi; hội chứng Tourette (chứng rối loạn thần kinh trầm trọng), đa tật.

Tin tức liên quan